ThS.BS Nguyễn Hiền Minh - phó trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết với vắc xin Pfizer, những phản ứng rất thường gặp sau tiêm vắc xin ở trẻ 5-11 tuổi bao gồm: mệt mỏi, đau đầu, tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm, đau cơ và ớn lạnh, sốt.
Với vắc xin Moderna, trẻ thường đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, buồn nôn/nôn mửa, sưng/đau ở nách, sốt, ban đỏ tại vị trí tiêm, sưng tại vị trí tiêm và đau khớp.
Tất cả trẻ sau tiêm vắc xin COVID-19 nếu có một trong số các dấu hiệu sau cần được thăm khám: đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim. Phụ huynh cần thông báo tới đường dây nóng được ghi trong phiếu hướng dẫn theo dõi sau tiêm.
Sau khi tiêm vắc xin, phụ huynh nên cho con uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, ăn theo nhu cầu của trẻ, mặc đồ thoáng mát rộng rãi, tránh để trẻ bị cảm lạnh, hạn chế vận động chạy nhảy quá sức trong vòng 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin.
Bác sĩ Hiền Minh lưu ý không đắp lá cây hay bôi thuốc gì lạ lên vị trí tiêm. Nếu trẻ sưng đau nhiều hay sốt, phụ huynh cho con uống thuốc giảm đau hạ sốt thông thường như Paracetamol với liều lượng 10-15 mg/kg cân nặng của trẻ, 3-4 lần/ngày.
Phụ huynh cần lưu ý gì trước khi cho trẻ tiêm vắc xin?
Bác sĩ Hiền Minh tư vấn: cho trẻ ăn nhẹ trước khi đi tiêm, không nhịn đói, nhưng cũng không ép trẻ ăn quá no; không uống chất kích thích như nước ngọt, trà sữa, cà phê, nước tăng lực... vào ngày tiêm vắc xin.
Cho trẻ uống đủ nước, nhất là trong thời tiết nắng nóng hiện nay khiến trẻ dễ đổ mồ hôi, mau mệt trong khi chờ đến lượt được tiêm vắc xin; có thể cho trẻ uống viên sủi hoặc siro chứa các loại vitamin mà trẻ đang thường sử dụng vào buổi sáng ngày đi tiêm vắc xin; không tự ý ngừng các loại thuốc uống điều trị bệnh mãn tính mà trẻ đang uống theo toa bác sĩ.
Phụ huynh, người lớn trong nhà và nhà trường cần lưu ý dặn dò trẻ nếu có dấu hiệu gì khó chịu phải báo ngay.
Trẻ được theo dõi 30 phút sau tiêm tại địa điểm tiêm chủng, và ít nhất 3 ngày đầu tiên sau tiêm cũng cần có người lớn theo sát và kịp thời thấy những triệu chứng bất thường: ghi nhận nhiệt độ của con mỗi 4-6 giờ, không nên cho con ngủ một mình, để ý con khi ở quá lâu trong nhà vệ sinh hay phòng riêng, nên cho con ăn uống ở nhà để đề phòng tình trạng ngộ độc thức ăn bên ngoài, không tập thể dục hay vận động thể lực nặng.
Trẻ không cần kiêng tắm rửa hay kiêng thức ăn gì, trừ những thức ăn đã làm trẻ dị ứng trước đây.
"Cho trẻ nhập viện ngay khi có các dấu hiệu: vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng; đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi; khó thở khi hoạt động bình thường, khi nằm; sốt cao khó hạ nhiệt độ, hoặc kéo dài hơn 24 giờ; vân tím trên da; phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ", bác sĩ Hiền Minh nhấn mạnh.