Phương pháp dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non phù hợp rất quan trọng
Kỹ năng sống như những nhịp cầu giúp con người biến kiến thức thành thái độ, giá trị, hành vi và thói quen lành mạnh. Vì vậy, cần dạy kỹ năng sống cho trẻ 3 tuổi hay ngay từ khi còn thơ bé nhằm giúp trẻ tự biết chăm sóc và bảo vệ bản thân tránh khỏi những nguy hiểm có thể xảy ra.
Trẻ có thể hoà nhập nhanh với cuộc sống xung quanh, biết cách phát triển các mối quan hệ với mọi người, với thiên nhiên từ đó học hỏi và làm giàu có thêm vốn kiến thức, kinh nghiệm cũng như các kỹ năng của bản thân.
Nếu thiếu các kĩ năng sống cần thiết, trẻ sẽ khó tránh khỏi những lúng túng, sai phạm thậm chí gặp nguy hiểm khi phải giải quyết các tình huống xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Việc trang bị những phương pháp dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm nonphù hợp sẽ giúp trẻ có cơ hội phát triển nhân cách đầy đủ và đúng hướng.
Để thiết lập kĩ năng về bất cứ một hành động nào, con người đều cần luyện tập theo một quy trình và trẻ em cũng vậy. Ba bước cơ bản nhất về quy trình tạo lập một kỹ năng cho trẻ như sau:
- Tạo cho trẻ kiến thức về hành động: trẻ cần biết được mục đích, đối tượng, cách thức, điều kiện hành động
- Hướng dẫn trẻ (gợi ý, làm mẫu) từ những người có kiến thức và kĩ năng cao hơn, bên cạnh đó thúc đẩy trẻ phải tích cực tham gia học hỏi, quan sát, làm thử…
- Tạo điều kiện để trẻ vận dụng kiến thức, kinh nghiệm và những kỹ năng, kỹ xảo đã có vào thực hành luyện tập để hình thành kỹ năng và sử dụng kỹ năng một cách linh hoạt trong những điều kiện khác nhau.
Các phương pháp dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non
Như vậy, để hành động trở thành kỹ năng cần trải qua một quá trình. Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ phải gắn với các việc làm, tình huống cụ thể: trẻ được quan sát người khác làm, trẻ được tự thực hiện để trải nghiệm.
Sự trải nghiệm nhiều lần sẽ giúp trẻ nhận thấy ý nghĩa thiết thực của việc làm, từ đó trẻ sẽ chủ động vận dụng các kĩ năng cần thiết vào từng tình huống cụ thể trong cuộc sống. Hàng ngày, chúng ta có thể thông qua nhiều hình thức, các phương pháp dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non khác nhau:
- Thông qua hoạt động vui chơi: vui chơi là hoạt động tạo cho trẻ nhiều hứng thú và cũng cho trẻ cơ hội được vận dụng nhiều kiến thức kĩ năng khác nhau vào giải quyết nhiệm vụ chơi. Trẻ được thử nghiệm nhiều vai trò khác nhau qua các vai chơi, được phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo, học hỏi và hợp tác với các bạn cùng chơi… ví dụ trong trò chơi gia đình trẻ phải điều hoà các mối quan hệ với 2 vai trò khác nhau: mối quan hệ với bạn cùng chơi (quan hệ thật) và quan hệ với các nhân vật trong trò chơi (quan hệ giả). Để trò chơi phát triển mỗi đứa trẻ đều phải cùng cố gắng hoàn thành tốt vai trò của mình đồng thời phải biết chia sẻ, hợp tác với các bạn khác.
- Thông qua sinh hoạt hàng ngày: sinh hoạt hàng ngày của trẻ đa phần là những hoạt động lặp đi lặp lại vì vậy trẻ được rèn luyện nhiều và thực hiện các công việc đó một cách dễ dàng vì đã thành nếp sinh hoạt. Ngoài ra, trong sinh hoạt trẻ cũng gặp phải những vấn đề mới nảy sinh – đó chính là cơ hội quý để hình thành những kĩ năng sống mới.
- Thông qua xem phim, nghe kể truyện: nội dung các bộ phim, câu chuyện phù hợp sẽ là gợi ý cho trẻ về cách cư xử đúng, cách giải quyết vấn đề hiệu quả.
- Thông qua hoạt động sáng tạo: Với trò chơi đóng vai, trẻ “nhập vai” và giải quyết tình huống giả định, giúp trẻ tập các kĩ năng sống một cách nhẹ nhàng, thú vị. Ví dụ: đi siêu thị mà bị lạc thì trẻ làm gì?, làm hỏng đồ chơi của bạn trẻ sẽ làm thế nào?…
Như vậy, việc giáo dục kĩ năng sống cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thiết thực. Mỗi trẻ có những yếu tố cá nhân khác nhau và sự ảnh hưởng của các quan hệ xã hội cũng như hoàn cảnh sống, môi trường trải nghiệm khác nhau nên nhà giáo dục cần có những hình thức, biện pháp linh hoạt, hợp lý và tận dụng các điều kiện để tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ được tự trải nghiệm.
Với kĩ năng sống phong phú trẻ sẽ biết cách khai thác kiến thức từ cuộc sống xung quanh, tạo lập các mối quan hệ với tự nhiên và con người để sống an toàn, hòa bình và phát triển.