Đau mắt đỏ ở trẻ em là gì?
Viêm kết mạc hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, là tình trạng viêm lớp màng trong suốt ở bề mặt nhãn cầu (lòng trắng), kết mạc mi. Bệnh rất thường gặp (cấp tính chiếm tần suất mắc cao hơn mạn tính), điều trị dễ dàng và có thể tránh được. Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi giới, mọi lứa tuổi: trẻ em, người trưởng thành, người già. Viêm kết mạc dễ lây lan và có thể lan rộng thành dịch vào mùa xuân-hè.
Một số chia sẻ của các mẹ về tình trạng đau mắt ở con trẻ
Nhờ phát hiện sớm và dùng thuốc kịp thời, bé Minh đã hết đỏ mắt chỉ sau 1 ngày. Trong thời gian điều trị, bé Minh tăng cường uống nước cam, ăn sữa chua và tránh dụi mắt.
Chị Quỳnh, mẹ bé Minh (5 tuổi, ở Củ Chi) chia sẻ kinh nghiệm chữa bệnh cho con trai mình: “Buổi chiều đón Bin (tên ở nhà của Minh) từ trường mẫu giáo về, lúc tắm cho cháu, tôi chợt thấy mắt của cháu có ghèn. Tôi lấy bông gòn nhúng nước ấm lau sạch cho con. Lúc đó, mắt Bin chưa đỏ nhưng chỉ 5 phút sau ghèn lại nổi lên rất nhiều”.
Chị Quỳnh lập tức đưa Bin đến bác sĩ nhi khoa. Về nhà, chị cho con ăn cơm, uống thuốc và nhỏ mắt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Trong 2 giờ liền, cứ 5 phút chị lại dùng nước ấm vệ sinh mắt cho con. “Bác sĩ không dặn như thế nhưng mắt Bin nhiều ghèn quá, tôi phải lau thường như vậy chứ nếu để ghèn đóng khô lại, lúc lau mắt sẽ làm bé đau rát”, chị Quỳnh giải thích.
Chị Quỳnh luôn chú ý để con không dụi mắt và dặn con: “Lúc nào mắt Bin ngứa quá thì nói mẹ thổi nhé”. Không chỉ dùng khăn riêng (có 3 chiếc khăn để lau mắt, lau tay, lau mình), ly uống nước của Bin chị cũng cẩn thận để riêng. Ngoài ra, việc rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi lau mắt cho Bin cũng là “thủ tục” không thể thiếu.
Bên cạnh đó, chị pha nước cam tươi cho Bin uống, đồng thời nhắc Bin uống nhiều nước lọc và tối hôm ấy hạn chế xem tivi. Đến lúc đi ngủ, mắt Bin đã đỡ ghèn hẳn, chị Quỳnh chỉ phải lau thêm 2 lần trong đêm.
Sáng hôm sau, mắt Bin đỏ lên nhưng có ít ghèn. Đến tối thì mắt Bin hết đỏ, hết ghèn nhưng chị Quỳnh vẫn cho con nghỉ học 3 ngày như khuyến nghị và tiếp tục uống thuốc theo toa của bác sĩ. Chị Quỳnh chia sẻ: “Tôi thấy nhiều phụ huynh chủ quan lắm. Ở trường mầm non của Bin, nhiều bé bị đau mắt nhưng vẫn đi học, khiến cho các bé bị lây nhiều”.
Chị Quỳnh kể thêm: “Xong hết bệnh, tôi còn giặt vải trải giường, mền gối và vệ sinh nệm nữa, nhất là gối và tấm trải của Bin trong lớp mẫu giáo”.
Song song với việc điều trị cho Bin, cả nhà chị cũng tăng cường uống nước cam và ăn sữa chua. Tuy nhiên, 2 ngày sau khi Bin khỏi bệnh, đến lượt chị Quỳnh và bà ngoại Bin bị đau mắt, nhưng nhờ phát hiện sớm và điều trị đúng nên cả mẹ và bà ngoại Bin cũng hết đỏ mắt sau 1 ngày.
Tại trường mầm non Hạnh Phúc, trường mầm non Hoa Hồng Đỏ (quận 9) cũng ghi nhận 2-3 trường hợp cô và trò hết đỏ mắt sau 2 ngày.
Bác sĩ Nguyễn Thế Hồ, Trưởng khoa Mắt BV cấp cứu Trưng Vương cho biết: “Bệnh đau mắt đỏ nếu phát hiện sớm và điều trị đúng thì chỉ 2-3 có thể hết triệu chứng đỏ mắt, ngứa mắt nhưng phải sau 7 ngày mới khỏi hẳn, hết khả năng lây lan (tuy nhiên, vì điều kiện thực tế, người lớn và trẻ em khó có thể nghỉ làm, nghỉ học hết 7 ngày vì bệnh này). Cha mẹ đừng chủ quan khi thấy mắt con hết đỏ mà vẫn phải cho bé tiếp tục dùng thuốc theo toa. Cũng cần chú ý không để bé dụi mắt vì như thế có thể làm tổn thương giác mạc, khiến việc điều trị lâu khỏi. Việc phòng ngừa đau mắt đỏ trong cộng đồng có người bị bệnh vẫn phải tiếp tục sau khi người đó đi học, đi làm trở lại”.
Mẹo chữa đau mắt đỏ cho bé chỉ 2 ngày là khỏi:
Nhờ có cách chữa hiệu quả mà chỉ sau hai ngày bé Zin nhà mình đã khỏi bệnh đau mắt đỏ, có thể tới lớp đi học bình thường…
Trong thời tiết khô hanh của mùa thu này dịch đau mắt đỏ đang lây lan với tốc độ khủng khiếp. Ở cơ quan mình, phòng làm việc có 10 người thì hiện nay đã có 5 người mắc bệnh đau mắt đỏ. Căn bệnh này tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại khiến người bệnh vô cùng khó chịu.
Người lớn mắc bệnh này đã khổ, các con bị đau mắt đỏ lại càng khổ hơn. Sợ nhất là ở lớp học nhiều gia đình không biết con bị đau mắt vẫn cho đi học, nên dễ lây lan ra các bé khác.
Zin nhà mình cũng bị lây bệnh đau mắt đỏ từ các bạn trong nhà trẻ. Thằng bé mới hơn 3 tuổi, đi học về bé vẫn bình thường nhưng khi mình rửa mắt cho con mới thấy mắt bé có rất nhiều ghèn mắt. Mình lấy nước ấm lau đi thì 5 phút sau lại có ghèn mắt, con bắt đầu kêu đau mắt.
Bà nội thấy bé bị đau mắt đỏ thì nói phải đi xin lá dâu đắp vào mắt cho con. Tuy nhiên, giữa lòng Hà Nội thế này thì lấy đâu ra lá dâu? Mình lo lắng chạy vội sang nhà hàng xóm là bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai thì được anh khuyên mình không nên đắp các loại lá cho con, dễ làm bệnh tình trầm trọng hơn.
Cách tốt nhất là ra hiệu thuốc mua nước muối sinh lý để tra mắt cho con hàng ngày, đồng thời cần vệ sinh tay chân, nơi ở cho con sạch sẽ, không cho trẻ dụi mắt. Ngoài ra khi con có ghèn mắt thì phải nhẹ nhàng lấy ngay lúc ướt, tránh để khô, khi lấy ghèn mắt sẽ gây đau đớn cho con.
Mình về nhà lau rửa chân tay cho con thật sạch sẽ, nhất là không cho con xem ti vi hay chơi ipad như mọi hôm nữa. Mình cũng cho con ăn uống đầy đủ chất, tăng cường sức đề kháng cho bé chống chọi với bệnh tật. Cứ khoảng 10 phút mình lại dùng gạc sạch chấm nước cất để lau sạch ghèn mắt cho con.
Nhờ vào việc quan tâm và chăm sóc con như vậy mà ngày hôm sau mắt bé Zin đã đỡ đau hẳn, đến hết ngày hôm sau nữa thì con khỏi. Thì ra cách chữa cũng tương đối đơn giản, không cần thuốc thang nhiều, chỉ cần mẹ ở bên giữ sạch tay chân, cơ thể, không cho con dụi mắt và chăm sóc cho sức khỏe của con thôi.
Hy vọng những kinh nghiệm của mình có thể giúp ích cho các mẹ trong việc chữa đau mắt đỏ cho bé trong mùa dịch này nhé!
Đau mắt đỏ ở trẻ em thường lây qua đường nào?
- Đau mắt đỏ là bệnh lây lan nhanh qua đường hô hấp, đồ dùng cá nhân… Khi bị đau mắt, rất khó cách ly hoàn toàn người bệnh…
- Đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc là bệnh gặp phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa.
- Triệu chứng ban đầu của bệnh là nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nề, chảy nước mắt.
- Bệnh đau mắt đỏ lây truyền qua đường hô hấp, đồ dùng cá nhân như: Khăn mặt, chậu rửa mặt.
- Nguyên nhân gây ra hiện tượng này có thể do vi khuẩn, vi rút, phổ biến là loại vi rút Andenol. Chỉ tính riêng loại vi rút Andenol cũng đã có nhiều tuýp khác nhau. Do đó, có thể năm nay người bệnh mắc phải một loại vi rút tuýp này nhưng năm sau có thể mắc phải vi rút tuýp khác.
- Bệnh đau mắt đỏ rất dễ bị lây lan và nếu không chữa kịp thời, dứt điểm sẽ có hại cho mắt.
- Các chuyên gia nhãn khoa khẳng định không có chuyện bị lây đau mắt đỏ vì nhìn bệnh nhân. Tuy nhiên, rất nhiều người có cảm tưởng như vậy bởi họ nghĩ mình không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
- Với những trường hợp đau mắt do vi rút, có thể lây qua nhiều đường nhưng đặc biệt nguy hiểm và nhanh nhất là lây qua hệ hô hấp. Bệnh nhân bị đau mắt đỏ có thể kèm theo hiện tượng viêm họng hạch hoặc đôi khi có hạch ở tay.
- Người đau mắt đỏ có thể lây bệnh cho người khác ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng, việc lây bệnh diễn ra ở thời kỳ ủ bệnh. Ngay khi bệnh nhân đã khỏi vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần.
- Đau mắt đỏ lây truyền qua những hạt tiết tố nhỏ li ti khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi; qua đồ dùng cá nhân, khăn tay; qua nước bị nhiễm khuẩn (nước hồ bơi). Vì thế, bệnh dễ lây ở trẻ em học cùng trường hoặc người sống cùng một nhà.
- Đeo kính không loại trừ hết nguy cơ lây bệnh mà chỉ giảm thiểu khả năng lây bệnh. Nếu đeo kính nhưng vẫn dùng chung khăn mặt, chậu rửa mặt thì khả năng lây bệnh là rất lớn.
- Bệnh đau mắt đỏ nếu được chữa trị kịp thời sẽ không để lại biến chứng nhưng nếu tự ý dùng thuốc hay điều trị không dứt điểm sẽ bị viêm, loét giác mạc.
- Để phòng ngừa bệnh, cần có ý thức giữ vệ sinh cá nhân tốt (dùng riêng khăn mặt, vật dụng cá nhân); khi mắc bệnh cần được nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp để tránh lây lan cho người khác. Tốt nhất hãy tới bác sĩ nhãn khoa để khám và được điều trị, dùng thuốc đúng cách.
- Để tránh bị đau mắt đỏ, cần tránh đưa tay bẩn lên mắt, nên đeo kính râm khi ra đường. Sau một ngày lao động có tiếp xúc bụi mắt, sau khi tổng vệ sinh gia đình, cơ quan nên rửa mặt sạch rồi tra vào mắt một vài giọt nước nhỏ mắt Natri Clorid 0,9%, rửa mặt bằng khăn sạch, nước sạch; thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi dưới nắng.
Chia sẻ kinh nghiệm chữa đau mắt đỏ cho con các mẹ nên tìm hiểu
Theo dõi hành trình thú vị của một bà mẹ trẻ hiện đại có con bị đau mắt đỏ giữa lúc dịch bệnh đang lan rộng.
Dịch đau mắt đỏ đang vào những ngày đỉnh ở Hà Nội và đã “đổ bộ” đến cả Tp.HCM. Ở bất cứ nơi đâu tôi cũng thoáng thấy một, hai người đang đeo kính đen. Vào thang máy công ty: có, ngồi ăn phở ngoài quán: có, đi siêu thị mua đồ: lại càng có. Không chỉ người lớn bị, bệnh đau mắt đỏ còn lan rộng đến cả trẻ em. Lo lắng cho Miu sẽ bị lây đau mắt đỏ, tôi đã “ban hành” lệnh cấm trong cả nhà không được đưa Miu đến chỗ đông người, đồng thời ngày nào cũng nhỏ nước muối cho bé. Vậy nhưng cuối cùng, tôi vẫn chẳng bảo vệ được con.
Lây bệnh
Thứ sáu tuần trước, như thường lệ, tôi đèo Miu ra quán cháo sườn đầu ngõ ăn sáng rồi đưa con đi làm. Vừa gần đến nơi, thấy bác cháo sườn đang đeo một cái kính đen to sụ, tôi buồn tê tái cõi lòng. Vậy là dịch đau mắt đỏ đã chính thức xuất hiện ở khu phố. Quay lại nịnh Miu là thôi hôm nay Miu cầm tạm bánh ngọt với sữa vào lớp cô cho ăn, tôi cười trừ rồi cáo bận với bác cháo sườn. Vậy là Miu đành bỏ cháo sườn tạm mấy hôm vậy. “Cho an toàn”, tôi tặc lưỡi.
Tưởng vậy là xong, chiều đến đón Miu ở lớp mẫu giáo, tôi vô tình nghe được cô giáo đang nói chuyện với một ông bố của học sinh trong lớp. Cô bảo “Bé nhà mình đang hơi có biểu hiện của đau mắt đỏ. Em thấy một bên mắt cháu hơi đỏ. Mai anh cho bé nghỉ học ở nhà nhé”. Mới chỉ vậy thôi mà vị phụ huynh kia giãy nảy, ông bố đó bảo cả nhà anh ta ai cũng bận bịu, mai không ai nghỉ việc ở nhà trông con được. Nói rồi cương quyết bảo cô giáo mai vẫn trông con giúp mình. Nghĩ cô giáo lo xa, cũng là chuyện nhà người ta, tôi quay ra bế Miu rồi hai mẹ con về nhà.
Vậy nhưng không hiểu sao tối hôm ấy, Miu đột nhiên rất hay lấy tay dụi mắt, một bên mắt phải hơi đỏ lên. Tôi lo Miu bị đau mắt đỏ nhưng nói với ông xã thì anh lại gạt đi, bảo “Em lại thần hồn nát thần tính”. Nghĩ mình cùng hơi lo xa, tôi nhỏ mắt bằng nước muối cho Miu rồi giục con lên giường đi ngủ. Sáng hôm sau, gọi con dậy đi học, tôi hoảng hốt khi thấy chỉ qua một đêm, sáng hôm sau hai mắt Miu dính đầy ghèn vàng. Con liên tục kêu nhức mắt rồi khóc lóc om sòm. Đưa Miu đi rửa mặt xong, tôi thấy hai tròng mắt con đỏ lựng. Thôi! Thế là Miu đã chính thức bị lây đau mắt đỏ.
Đi khám đau mắt đỏ
Cũng như bao bà mẹ hiện đại khác, việc đầu tiên tôi làm khi biết con bị đau mắt đỏ không phải là bế Miu đến viện mà là vội vã lao ngay….lên mạng. Vào internet, facebook và các trang forum của các bà mẹ, tôi ráo riết tìm hiểu các cách chữa đau mắt đỏ cho trẻ em. Thôi thì mỗi người một ý, mỗi người một đơn thuốc khác nhau khiến tôi hoa mắt chóng mặt. Rút kinh nghiệm từ những vụ việc tự chữa bệnh cho con ở nhà rồi thành biến chứng nguy hiểm, chồng tôi dứt khoát không cho vợ tự chữa bệnh cho con. “Nặng nhẹ gì thì đến viện khám là biết liền.” anh nói. Tôi không đồng tình “Giờ ra viện mắt đông đúc lại toàn bệnh tật, con có không ốm cũng thành ốm mất. Đi viện làm gì”. Cứ thế, hai vợ chồng dùng dằng hết gần nửa ngày trời. Miu thì vẫn không có chuyển biến gì.
Cuối cùng, con nghỉ học, vợ chồng nghỉ làm, cả gia đình tôi lóc cóc đưa nhau đến Viện mắt Trung Ương. Viện mắt đông thật, vừa vào gửi xe, tôi đã thấy ngay anh bảo vệ bệnh viện đang… đeo kính đen. Vậy là bảo vệ của viện mắt cũng bị lây đau mắt đỏ. Tôi quả thật chẳng biết nên cười hay mếu.
Vào xếp hàng, lấy số rồi hai vợ chồng tôi đưa Miu đến phòng khám số 2 để chờ tới lượt. Trong phòng chờ cũng đang có rất nhiều người đến khám đau mắt đỏ. Người lớn có, trẻ con có, trẻ sơ sinh 5,6 tháng cũng có. Tuy số thứ tự của Miu vẫn còn khá xa nhưng vì là trẻ con, các y tá và bác sĩ ở Viện mắt luôn ưu tiên các bé được khám trước người lớn. Sau khi soi đèn, khám mắt cho Miu, bác sĩ kết luận Miu chỉ bị đau mắt đỏ nhẹ, kê đơn thuốc nhỏ mắt rồi dặn hai vợ chồng cho bé về nhà nhỏ mắt theo hướng dẫn trong đơn.
Về nhà
Để dỗ dành Miu nín khóc, tôi và chồng “đầu tư” cho cô nàng hẳn một chiếc kính đen màu hồng hình mickey cực yêu. Miu thấy kính xinh thì thích thú lắm, quên hẳn chuyện bị đau mắt, cũng không đòi bỏ kính ra nữa. Vậy là yên tâm một phần. Việc thứ hai: Để Miu không lây cho các bạn ở lớp mẫu giáo, tôi cũng đã gọi điện xin phép cô cho bé nghỉ học vài hôm.
Về đến nhà, tôi lập tức lau dọn lại nhà cửa sạch sẽ, thay toàn bộ khăn mặt của gia đình và đánh dấu riêng khăn, chậu rửa mặt của Miu để tránh lây nhiễm. Hàng ngày, trước và sau khi tra thuốc nhỏ mắt cho Miu, hai vợ chồng đều rửa tay sạch sẽ. Kiên trì giữ gìn vệ sinh và nhỏ thuốc cho con hàng ngày, chỉ sau 2 hôm, mắt Miu đã đỡ đỏ rất nhiều và đến ngày thứ 4 thì khỏi hẳn. Khỏi phải nói, hai vợ chồng mừng đến thế nào. Hóa ra, bệnh đau mắt đỏ cũng không phải là quá khó chữa.
Tôi thấy nhiều chị em vì sợ đưa con đi viện đông đúc rồi lây bệnh nên mặc dù con đau mắt đỏ rõ ràng những vẫn cố tự chữa ở nhà. Một số lại còn định áp dụng những mẹo vặt dân gian như xông lá trầu hay đắp lá cây sống đời lên mắt trẻ. Điều này là vô cùng nguy hiểm vì rất dễ xảy ra biến chứng khiến trẻ có nguy cơ bị mù vĩnh viễn.
Dịch đau mắt đỏ đang lan rộng, chị em hãy là những người mẹ thông thái để có kiến thức phòng và chữa bệnh cho trẻ cũng như có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng.