- Những bé dưới 1 tháng tuổi thường có thể đi ngoài 4 - 10 lần/ngày.
- Những bé từ 1 - 3 tháng tuổi thường đi ngoài trên 2 lần/ngày.
Tuy nhiên, số lần đi ngoài còn tùy theo từng bé, có bé đi ngoài ngay sau bữa ăn, có bé 2 ngày đi ngoài 1 lần, có bé 1 tuần mới đi ngoài 1 lần. Nhưng với những bé dưới 2 tuổi thường đi phần mềm, đóng khuôn.
Bệnh tiêu chảy ở trẻ em là khi trẻ nhũ nhi có số lần đi ngoài nhiều gấp 2 lần bình thường, còn với trẻ lớn hơn là đi ngoài trên 3 lần/ngày và phân lỏng hoặc toàn nước.
Bệnh tiểu chảy được chia thành 3 loại chính đó là:
- Tiêu chảy cấp.
- Tiêu chảy kéo dài: Khi tình trạng tiêu chảy kéo dài từ 14 ngày trở lên.
- Tiêu chảy xâm lấn có nhầy máu.
2. Thời điểm nào trong năm trẻ dễ bị tiêu chảy nhất?
Tại nước ta, bệnh tiêu chảy ở trẻ em có thể xuất hiện quanh năm, song, có hai thời điểm bệnh thường xảy ra với số lượng lớn bệnh nhân, đó là:
- Thời điểm vào mùa nóng: Đây là thời điểm có điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nhiều hơn. Cùng với đó, người dân thường xuyên ăn uống bên ngoài nhiều hơn. Vì vậy, dễ mắc bệnh tiêu chảy do nhiễm khuẩn.
- Thời điểm vào mùa lạnh: Lúc này, người dân thường ở trong nhà, tập trung đông đúc, điều này sẽ tạo điều kiện cho virus lây lan. Vì vậy, trẻ cũng dễ mắc phải những đợt dịch tiêu chảy do virus, đặc biệt là do Rotavirus.
3. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em
Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý 3 điều này, kèm theo đó là những nguy cơ gây tiêu chảy ở trẻ, bao gồm:
- Cho trẻ bú bình không đảm bảo vệ sinh: Việc này làm tăng nguy cơ bị tiêu chảy lên nhiều lần so với trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc không bú bình.
- Cho trẻ ăn bổ sung không đúng cách: Cho trẻ ăn thức ăn nấu để lâu ở nhiệt độ phòng hay thức ăn bị ô nhiễm trước và sau khi chế biến.
- Do nước uống không sạch (như nước không đun sôi hoặc đã đun sôi nhưng để lâu) hoặc nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
- Do dụng cụ hay tay người chế biến thức ăn bị nhiễm bệnh.
- Do xử lý chất thải đã nhiễm bệnh không đúng cách, do quan niệm phân trẻ em không bẩn như phân người lớn.
- Do không có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn và trước khi cho trẻ ăn.
4. Cách điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ em
Bệnh tiêu chảy ở trẻ em gây ra tình trạng mất nước mất điện giải, do đó việc điều trị cần phải phối hợp bù nước, bù điện giải với việc điều trị nguyên nhân gây bệnh. Với những trường hợp bệnh nhẹ, sau khi thăm khám, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho trẻ điều trị và theo dõi tại nhà.
4.1. Điều trị tình trạng mất nước, mất điện giải
Khi trẻ bị tiêu chảy sẽ gây mất nước, mất điện giải, do đó cách điều trị hiệu quả, thường được sử dụng đó là cho trẻ uống Oresol. Hầu như phụ huynh nào cũng biết điều này, tuy nhiên không hẳn mọi người đã biết cách sử dụng đúng oresol. Dưới đây là những lưu ý khi sử dụng oresol mà mọi người cần biết:
- Oresol dùng để điều trị tình trạng mất nước, điện giải do bệnh tiêu chảy gây ra, chứ không phải là thuốc điều trị tiêu chảy.
- Cách pha Oresol: Cần pha đúng theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm, chỉ pha với nước đã đun sôi, không pha với các loại nước khác. Lưu ý cần phải pha đúng tỷ lệ, tuyệt đối không được pha ít nước hơn so với hướng dẫn.
- Cách cho trẻ uống: Cho trẻ uống chậm, uống thay nước, thường uống từ 50 - 100ml (tương đương khoảng 10 - 20 muỗng cà phê) sau mỗi lần trẻ tiêu chảy.
- Trẻ trên 6 tháng tuổi có thể thay Oresol bằng nước dừa, nước cơm, nước súp.
- Nếu trẻ từ chối uống hoặc bị ói ngay sau khi uống thì cần phải theo dõi sát tình trạng mất nước của trẻ.
4.2. Sử dụng thuốc
- Thuốc kháng sinh: Do bệnh tiêu chảy ở trẻ em chủ yếu do virus gây ra, nên không cần phải sử dụng thuốc kháng sinh. Bởi thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn mà không có tác dụng tiêu diệt virus nên không có tác dụng trong điều trị tiêu chảy trẻ em do virus gây ra.
- Thuốc kháng tiêu chảy: Không cần thiết sử dụng thuốc kháng tiêu chảy, vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Ngoài ra, khi sử dụng thuốc cầm tiêu chảy sẽ che mất các triệu chứng. Từ đó, làm chậm trễ việc điều trị, khiến cho bệnh kéo dài, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của trẻ.
- Men vi sinh Probiotics: Có thể làm giảm tiêu chảy xấp xỉ 01 ngày.
- Kẽm: Không cần thiết sử dụng kẽm với những trẻ đủ dinh dưỡng và không có nguy cơ bị thiếu kẽm. Chỉ cần thiết đối với những trẻ có nguy cơ bị thiếu kẽm như là trẻ bị giảm cân nặng, trẻ đang trong đợt tiêu chảy cấp. Ngoài ra, kẽm còn có tác dụng làm giảm tái phát đợt tiêu chảy tiếp theo trong nhiều tháng sau đó.