1/ Dinh dưỡng cho bé sơ sinh từ 0 – 6 tháng tuổi
Trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi có sự thay đổi về thể chất nhanh nhất trong suốt cuộc đời. Dinh dưỡng tốt nhất và duy nhất cho trẻ chính là sữa mẹ. Nếu trẻ được bú đúng cách và đủ nhu cầu, trong 2 tháng đầu trẻ sẽ tăng 1kg mỗi tháng, 2 tháng giữa mỗi tháng 800g và 2 tháng cuối mỗi tháng 600g; chiều dài tối thiểu khi trẻ được 6 tháng là 66cm.
Khi cho trẻ bú, mẹ nên chia nhỏ các bữa vì hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện và thể tích dạ dày còn rất bé. Cách chia như sau:
- Từ 1 – 2 ngày tuổi: 8 – 12 bữa/ngày, mỗi bữa từ 30 – 90ml sữa;
- Từ 3 – 6 ngày tuổi: 8 – 12 bữa/ngày, mỗi bữa từ 60 – 90ml sữa;
- Từ 7 ngày – 1 tháng tuổi: 8 – 12 bữa/ngày, mỗi bữa từ 90 – 150ml sữa;
- Từ 1 – 2 tháng tuổi: 6 – 8 bữa/ngày, mỗi bữa từ 90 – 150ml sữa;
- Từ 3 -6 tháng tuổi: 5 – 6 bữa mỗi ngày, mỗi bữa từ 120ml – 210ml sữa.
2/ Dinh dưỡng cho bé từ 1 – 2 tuổi
Thời điểm 1-2 tuổi, bé đang chập chững tập đi, rất hiếu động khám phá xung quanh và bắt đầu mọc răng, thế nên nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sẽ tăng lên. Mẹ vẫn cần cho bé uống sữa, nếu không đủ sữa mẹ, bạn có thể chọn các loại sữa ngoài phù hợp, kết hợp với các chế phẩm từ sữa khác với lượng 500 – 600ml/ngày.
Các bậc phụ huynh phải luôn nhớ “Chăm con không suy dinh dưỡng – không béo phì”. Thế nên mẹ chỉ cần cho trẻ ăn dặm 3 – 5 chén/ngày với tỷ lệ 4 nhóm chất đảm bảo như nhau trong một chén, cụ thể 40g bột gạo, 20g đạm, 20g rau xanh, 5ml chất béo.
Đừng quên bổ sung vitamin A giúp chức năng thị giác được hoàn thiện, phân biệt tín hiệu hình ảnh và sáng khỏe, vitamin D giúp cơ thể hấp thu canxi từ thức ăn và đặc biệt là DHA quan trọng trong dẫn truyền thần kinh và bảo vệ não bộ.
Giai đoạn này mẹ bắt đầu cho trẻ ăn từ lỏng tới đặc với lượng ăn ít và tăng dần. Không cho trẻ ăn bánh kẹo trước bữa ăn, thực phẩm cần được chế biến đảm bảo an toàn. Một số trẻ không thích ăn rau vì thế phụ huynh nên chế biến thành các món ăn hấp dẫn để bé bổ sung chất xơ thúc đẩy hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn.
Ngoài ra mẹ cũng đừng để bị nhầm lẫn khi sử dụng nước hầm nấu cháo cho trẻ. Bởi phần lớn dinh dưỡng nằm trong phần cái như tôm, thịt, cá,… chứ không tiết ra nước hầm. Do đó mà mẹ hãy xay nhuyễn các loại thức ăn này cho trẻ ăn mỗi ngày.
3/ Dinh dưỡng cho bé từ 2 – 3 tuổi
2-3 tuổi là giai đoạn quan trọng nhất để não bộ của trẻ phát triển toàn diện. Khi này bé rất hiếu động, ham học hỏi, từ đó hoàn thiện dần các kỹ năng. Bởi vậy mà chế độ dinh dưỡng ở độ tuổi này mẹ cũng cần chú ý nhiều hơn.
Khi trẻ được 2 tuổi, cha mẹ có thể cho trẻ tham gia vào bữa cơm của cả gia đình vì răng đã đủ và khỏe nên trẻ đã ăn được thức ăn người lớn mà không cần phải ăn cháo, bột nữa. Sữa vẫn là nguồn dưỡng chất quan trọng nên mẹ hãy cho bé uống 2 ly sữa (300-400 ml) mỗi ngày.
Bé nên ăn bao nhiêu bữa một ngày cũng là câu hỏi của nhiều cha mẹ. Về cơ bản, trẻ sẽ ăn cùng gia đình là 3 bữa chính/ngày, ngoài ra các bữa phụ như cháo, bún, nui, phở, sữa 2 bữa/ngày. Ngoài thịt, cá, trứng, sữa, tinh bột,… rau xanh và trái cây là thực phẩm mà mẹ nên khuyến khích trẻ ăn nhiều. Hãy tôn trọng sự lựa chọn món ăn của con, cha mẹ nhé!
Tham khảo: Câu chuyện sử dụng ruốc hàu cho bé 1-5 tuổi
4/ Dinh dưỡng cho bé từ 3 – 5 tuổi
Trẻ từ 3 – 5 tuổi cần số lượng bữa ăn giống với trẻ 2-3 tuổi, tuy nhiên lượng ăn sẽ tăng lên để đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ. Khi này, khả năng vận động và nhận thức của trẻ đạt đến mức độ hoàn thiện, thế nên cha mẹ hãy tôn trọng sở thích ăn uống của con, tuy nhiên không nên ăn nhiều bánh kẹo trước bữa ăn.
60 chất dinh dưỡng từ 4 nhóm thực phẩm chính gồm tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin & khoáng chất sẽ là nguồn cung cấp năng lượng và tham gia vào quá trình phát triển của con trẻ. Cha mẹ nên lựa chọn đa dạng các loại thực phẩm và chế biến phù hợp để trẻ luôn thấy ngon miệng.
Ngoài 3 bữa chính, mẹ nên cho trẻ ăn thêm một bữa phụ với tỷ lệ năng lượng như sau: 25% bữa sáng, 40% bữa trưa, 10% bữa xế và 25% bữa tối. Vẫn duy trì lượng sữa cho trẻ uống khoảng 600ml chia ra 3 cữ (mỗi cữ 200ml) để nạp thêm đạm, vitamin và khoáng chất. Nên chọn các loại sữa chua, sữa bột tách béo, sữa tươi không đường,…
Nhu cầu dinh dưỡng của từng trẻ trong từng độ tuổi là khác nhau, tuy nhiên về cơ bản, những nguyên tắc trên đều cần được áp dụng khi cha mẹ xây dựng chế độ ăn cho con. Hãy đồng hành cùng trẻ trong từng giai đoạn và trở thành những cha mẹ thông minh khi lựa chọn thực phẩm cho trẻ, mẹ nhé!